Điều trị bệnh thận IgA – phần 1: tổng quan, mục tiêu giảm protein niệu và huyết áp

Bệnh thận IgA được đặc trưng bởi sự lắng đọng của immunoglobuline A (IgA) trong gian mạch của tất cả các cầu thận. Mặc dù bệnh thường khởi phát với đái máu, hồng cầu niệu và có thể kèm protein niệu, nhưng chẩn đoán được khẳng định khi sinh thiết thận và nhuộm hóa mô miễn dịch.
Cho đến nay, mục tiêu điều trị bệnh thận IgA chủ yếu dựa vào các tiêu chí giảm protein niệu và duy trì HA mục tiêu. Điều trị dựa trên đặc điểm mô bệnh học mới chỉ là các nghiên cứu nhỏ lẻ, chưa nhận được sự thống nhất chung.

1. Mục tiêu giảm protein niệu

– Protein niệu là một yếu tố tiên lượng mạnh nhất trong bệnh thận IgA và là một yếu tố nguy cơ độc lập. Ngưỡng protein niệu gây nguy cơ cho bệnh thận IgA chưa được xác định chắc chắn ở người trưởng thành. Một số nghiên cứu chỉ ra ngưỡng 0,5g/ngày, trong khi một số nghiên cứu khác cho rằng protein niệu > 1g/ngày mới là nguy cơ dẫn tới suy giảm chức năng thận.

– Nghiên cứu quan sát dựa trên một số lượng lớn BN đã chỉ ra sự giảm protein niệu tới mức < 1g/ngày ảnh hưởng tốt đến tiên lượng BN, cho dù lượng protein niệu vào thời điểm phát hiện bệnh là 1-2g/ngày, 2-3 g/ngày hay 3-4g/ngày. Những BN có protein niệu > 3g/ngày kéo dài có suy giảm chức năng thận cao gấp 25 lần so với những BN có protein niệu duy trì <1g/ngày. Khi giảm được protein niệu từ >3g/ngày xuống mức <1g/ngày, những BN này có tiên lượng cũng tốt như những BN có protein niệu thường xuyên ở mức <1g/ngày. Một chỉ số khác được dùng để theo dõi tiên lượng bệnh là giảm 50% protein niệu so với mức protein niệu ban đầu.

2. Mục tiêu huyết áp

– Tăng HA không kiểm soát, kéo dài trong một thời gian sẽ dẫn tới tăng protein niệu và làm giảm nhanh hơn mức lọc cầu thận.

– Bệnh thận IgA có tăng HA, việc kiểm soát HA có tác dụng bảo vệ thận ngay cả khi protein niệu và đái máu không thay đổi.

Quản trị viên

Vì một tương lai không có suy thận mạn

Post Comment