Tình trạng Protein niệu – phần 1

Tình trạng Protein niệu – phần 1

Định nghĩa

Protein niệu hay đạm niệu hay tiểu đạm là tình trạng xuất hiện protein trong nước tiểu. Đây là bất thường rất thường gặp trong chuyên ngành thận tiết, có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Bình thường, mỗi người thải ra một lượng rất nhỏ protein trong nước tiểu mỗi ngày, thường < 150mg/ngày. Protein niệu là hiện tượng lượng protein trong nước tiểu thải ra nhiều hơn mức độ thông thường.

Triệu chứng

Những người có lượng protein niệu thấp có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu lượng protein niệu cao, người bệnh có thể gặp các dấu hiệu phù ở chân, tay, mặt và tràn dịch các màng như tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng tinh hoàn ở nam giới và phù môi lớn ở nữ giới. Một số trường hợp có thể có kèm theo đái máu, suy thận và tăng huyết áp.

Phân loại

Tùy theo sự hiện diện của protein niệu, có thể chia làm 3 nhóm:

  • Protein niệu thoáng qua: Mức độ protein niệu thường thấp (<1g/24 giờ) và có thể tự mất đi mà không cần điều trị.
  • Protein niệu tư thế: đây là tình trạng cơ thể tăng đào thải protein niệu khi ở tư thế đứng thẳng và giảm đi khi ở tư thế nằm, có thể gặp ở 2 – 5% thanh thiếu niên nhưng hiếm gặp hơn ở người trên 30 tuổi.
  • Protein niệu dai dẳng: trái ngược với 2 tình huống trên, protein niệu dai dẳng xảy ra ở người có bệnh lý thận, có thể phân thành các nhóm:
    • Protein niệu trước thận: xuất hiện protein có kích thước nhỏ hơn màng lọc cầu thận ở trong nước tiểu, biểu hiện trong bệnh cảnh tiêu cơ vân, tan máu cấp, tăng sản xuất protein chuỗi nhẹ kappa, lambda trong máu (protein Bence Jones).
    • Bệnh cầu thận nguyên phát hoặc thứ phát: đây là nguyên nhân phổ biến nhất, tổn thương tại cầu thận khiến các loại protein trong máu đi vào nước tiểu, chủ yếu là albumin. Lượng protein niệu càng cao thì khả năng mắc bệnh cầu thận càng lớn. đặc biệt với những trường hợp protein niệu đạt ngưỡng thận hư (>3.5g/24 giờ/1.73m2 da).
    • Bệnh lý ống kẽ thận: tổn thương tại ống thận làm giảm khả năng tái hấp thu protein của ống lượn gần, lượng protein niệu thường thấp hơn trong bệnh cầu thận (<2g/24 giờ). Có nhiều loại thuốc có thể gây tổn thương ống kẽ thận, bao gồm nhiều loại kháng sinh, thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID)
    • Protein từ đường bài xuất hệ tiết niệu: xuất hiện trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn tiết niệu, sỏi tiết niệu, chấn thương hệ tiết niệu hoặc ung thư. Mức độ protein niệu thường thấp, ngoại trừ trường hợp ứ mủ bể thận.

Nguồn: Trung tâm Thận – Tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai

Quản trị viên

Vì một tương lai không có suy thận mạn

Post Comment