Thai kỳ được coi là một “yếu tố nguy cơ” làm tăng tỉ lệ tiến triển bệnh và tử vong ở bệnh nhân có bệnh thận mạn tính. Khi bệnh nhân có bệnh thận mạn tính bước vào thai kỳ, một loạt các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của tiến triển theo chiều hướng xấu đi: protein niệu tăng trong khoảng 50% số trường hợp trong khi tình trạng tăng huyết áp không kiểm soát được xuất hiện ở 1/4 số bệnh nhân. Tình trạng phù cũng có thể nặng lên ở những bệnh nhân có hội chứng thận hư. Những biểu hiện này thường thuyên giảm hẳn sau khi đình chỉ thai nghén.
Thai kỳ có thể dẫn đến đến sự suy giảm vĩnh viễn chức năng thận ở 0 – 10% phụ nữ có bệnh thận mạn giai đoạn I – II (nồng độ creatinine huyết thanh < 132 micromol/L). Số còn lại có thể bị suy giảm chức năng thận thoáng qua trong thai kỳ.
Một nghiên cứu đánh giá 360 phụ nữ bị viêm cầu thận mạn tính có chức năng thận bình thường: 171 có thai, số còn lại không mang thai. Sau 30 năm, không có sự khác biệt về tỷ lệ điều trị thay thế thận suy giữa hai nhóm. Điều này cho thấy việc mang thai ở những phụ nữ có viêm cầu thận có chức năng thận bình thường không phải là một chống chỉ định hoặc quá hạn chế, bởi vì điều này tước đi thiên chức làm mẹ một cách tự nhiên của họ.
Tuy nhiên, tiên lượng sẽ không còn tốt như vậy nếu người bệnh ở mức độ suy thận nặng hơn (từ 132 – 255 micromol/L). Trong trường hợp này, nồng độ creatinine trong huyết thanh có xu hướng giảm nhẹ trong nửa đầu của thai kỳ và sau đó có thể tăng vượt qua mức creatinin nền trước đó của bệnh nhân. Một nghiên cứu của Jones DC (1996) đánh giá 76 phụ nữ mang thai với nồng độ creatinine huyết thanh trung bình ban đầu là 168 micromol/ L đã cho thấy nồng độ creatinine tăng lên trung bình 223 micromol/L trong ba tháng cuối thai kỳ. Những người ban đầu có lượng creatinin huyết thanh trong khoảng 124 – 168 micromol/L thì nguy cơ suy giảm chức năng thận là khoảng 40%. Phụ nữ mắc bệnh thận mạn tính có thể trải qua sự suy giảm chức năng thận không hồi phục, lớn hơn dự đoán dựa trên tiến trình trước đó của bệnh nhân. Nguy cơ suy giảm chức năng thận không hồi phục đặc biệt cao nếu creatinin nền của người bệnh trước khi mang thai trên 177 micromol/L và thậm chí vượt quá 50% ở những người không thể kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp.
Đối với phụ nữ có bệnh thận mạn mà nồng độ creatinin máu ban đầu trên 265 micromol/L, các nghiên cứu thai kỳ còn hạn chế do những phụ nữ này thường xuyên bị vô kinh hoặc rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, khả năng thụ thai và sau đó là có một thai kỳ khỏe mạnh đối với những người này là thấp; tuy nhiên, các biện pháp tránh thai được khuyến khích sử dụng cho nhóm đối tượng trên vì tiên lượng thai kỳ không tốt và gia tăng sự tiến triển của bệnh thận mạn tính.
Tóm lại, nồng độ creatinine trong huyết tương tăng trên 1,5 mg/dL (hoặc 132 micromol/L) và tăng huyết áp là những yếu tố nguy cơ chính làm trầm trọng thêm bệnh thận tiềm ẩn ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân gây bệnh thận mạn cũng có thể quan trọng vì sự suy giảm mức lọc cầu thận tiến triển nhanh được ghi nhận ở phụ nữ có thai mắc viêm cầu thận màng tăng sinh, xơ hóa ổ cục bộ, và bệnh thận do trào ngược. Tuy nhiên, hầu hết các nhà lâm sàng đều cho rằng nguyên nhân (ngoại trừ viêm thận lupus) có lẽ không phải là yếu tố chính quyết định sự tiến triển bệnh thận nặng hơn, nếu bệnh nhân có suy thận và tăng huyết áp trước khi mang thai. Phụ nữ bị trào ngược bàng quang niệu quản từ trước có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai.
Nguồn ảnh: CMAJ