Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính

Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính

PGS. TS. BS. Đỗ Gia Tuyển

Bệnh thận mạn được phân làm 05 giai đoạn dựa trên mức lọc cầu thận ( MLCT):

– Bệnh thận mạn giai đoạn 1: MLCT > 90 ml/ph.
– Bệnh thận mạn giai đoạn 2: MLCT 60 – 89 ml/ph.
– Bệnh thận mạn giai đoạn 3: MLCT 30 – 59 ml/ph.
– Bệnh thận mạn giai đoạn 4: MLCT từ 15 – 29 ml/ph.
– Bệnh thận mạn giai đoạn 5: MLCT < 15 ml/ph. (phải lọc máu hoặc ghép thận)

Tùy theo giai đoạn bệnh mà chế độ dinh dưỡng là khác nhau. Một chế độ ăn phù hợp sẽ giúp người bệnh:
– Phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng.
– Điều chỉnh rối loạn chuyển hóa.
– Làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn.
– Cải thiện chất lượng cuộc sống.
– Giảm các biến chứng của suy thận mạn

2. Nguyên tắc chung của chế độ dinh dưỡng bệnh nhân nên tuân thủ

Chế độ ăn để điều trị suy thận mạn là một chế độ ăn nhằm hạn chế tăng urê máu và làm chậm bước tiến của quá trình suy thận mạn. Chế độ ăn này thường được gọi là chế độ ăn giảm đạm.Chế độ ăn giảm đạm được chế biến tuỳ theo từng bệnh nhân và từng giai đoạn của suy thận mạn và được dựa trên nguyên tắc:
– Giảm protein (đạm): dùng protein có giá trị sinh học cao, nghĩa là đủ acid amin cơ bản thiết yếu và tỷ lệ hấp thu cao.Giàu năng lượng, đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng và hạn chế quá trình giáng hóa protein trong cơ thể.
– Đủ vitamin, yếu tố vi lượng, yếu tố chống thiếu máu.Đảm bảo cân bằng nước, muối, ít toan, đủ canxi, ít phosphat. Chế độ ăn ít đạm sẽ làm giảm gánh nặng quá tải đào thải acid, urê, các nitơ protein khác cho thận và giảm quá trình xơ hóa cầu thận do đó sẽ hạn chế được sự gia tăng urê máu, làm giảm nhẹ được hội chứng urê máu cao và làm giảm quá trình tiển triển của suy thận mạn.

3. Nhu cầu dinh dưỡng bệnh nhân suy thận chưa thận nhân tạo

– Năng lượng: 35 – 45kcal/kg/ngày. Thức ăn cung cấp nặng lượng nên sử dụng như sau: tăng chất bột ít protein, chủ yếu là các loại khoai như khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn, bột sắn, miến dong.
– Chất đạm ( protein): Tùy theo giai đoạn của bệnh thận mạn mà lượng protein trong khẩu phần ăn là khác nhau. Bệnh nhân có MLCT càng thấp, lượng protein trong khẩu phần ăn càng phải giảm , thông thường protein từ 0,6 – 0,8g/kg cân nặng ( chú ý một lạng -100 gam thị bò nạc chỉ cho 20 g protein) . Nhu cầu chất đạm trong khẩu phần tùy thuộc vào độ nặng của bệnh. Cần cung cấp đủ năng lượng. Ở bệnh nhân có MLCT <25ml/phút tuôỉ <60 cần khoảng đủ 35 cal/kg/ngày nếu >60 tuổi nên duy trì từ 30-35 cal/kg/ngày. Lượng đạm trong khẩu phần ăn ở bệnh nhân có MLCT <25ml/phút nên duy trì khoảng 0.6 – 0.75 g/kg/ngày để tránh tình trạng suy dinh dưỡng. Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian sống của bệnh nhân khi được lọc máu. Bổ xung các acid amin kết hợp với chế độ ăn giảm protein: có nhiều loại khác nhâu Bs sẽ chọn loại phù hợp cho từng người bệnh . Khi bệnh nhân đã điều trị bằng phương pháp lọc máu ngoài cơ thể rồi thì chế độ ăn sẽ không còn áp dụng như khi chưa lọc máu nữa.
– Lợi ích của việc giảm đạm trong khẩu phần: làm giảm ứ đọng các sản phẩm thải trong cơ thể, hạn chế biến chứng tăng urê máu, chậm tiến triển đến suy thận mạn giai đoạn cuối.
– Chất béo dưới 30% tổng năng lượng khẩu phần.
– Chất bột đường khoảng 55-60 % tổng năng lượng khẩu phần. Nên dùng đường phức, giàu xơ, thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp nếu bệnh nhân có kèm bệnh đái tháo đường.
– Canxi: 900-1200mg/ngày. Phốt pho: 300 – 600mg/ngày.
– Muối natri: 1000 -2000mg/ngày (tương đương 2,5-5g muối ăn NaCl/ngày) tùy theo mức độ phù và tăng huyết áp.Kali: 2000-3000 mg/ngày, hạn chế dưới 1000mg khi có tăng kali máu, phù và tiểu ít.
– Sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin B6 là phức hợp chống thiếu máu cần bổ sung cho bữa ăn.
– Đảm bảo cân bằng nước, muối, ít toan, đủ canxi, ít phosphat. Ăn nhạt khi có phù, tăng huyết áp, suy tim. Trong trường hợp nào thì cũng không nên ăn mặn. Hạn chế muối ở mức 2-4 g mỗi ngày.
– Giảm thức ăn giàu phosphat như gan, thận, trứng.Tăng thức ăn nhiều canxi như tôm, cá, sụn.Nước uống vừa đủ, ngang lượng đái ra, ít hơn nếu có phù, nhiều hơn nếu mất nước.

4. Những thực phẩm nên chọn

– Chất bột đường: chất bột ít đạm như gạo xay trắng, miến, bột sắn dây, khoai lang, khoai sọ, bún,
– Chất đạm: nên ăn đa dạng chú ý đạm giá trị sinh học cao (thịt, cá, sữa, trứng). Nếu bệnh nhân kèm rối loạn mỡ máu nên ăn trứng 3 quả/tuần, cách ngày, thịt bò 1-2 lần/tuần, cá biển (cá hồi, trích, cá nục…) 2 lần/tuần. Số lượng đạm tùy theo mức độ, giai đoạn suy thận, CÀNG SUY NẶNG CẦN GIẢM ĐẠM. Nên chọn các loại sữa giảm đạm ( sữa Fresubin Renal đóng sẵn chai hoặc Nephro 1 sữa bột..)
– Chất béo: chọn dầu thực vật (dầu mè, nành, oliu…), mỡ cá.
– Giai đoạn bệnh thận mạn nhẹ (giai đoạn I-II ) có thể ăn đa dạng rau, trái cây có màu xanh, màu đỏ, màu vàng, tím… Bệnh nhân có kèm theo bệnh đái tháo đường nên chọn trái cây có chỉ số đường huyết thấp, trung bình như táo tây, cam, quýt, bưởi… với số lượng tùy mức kali máu.
– Gia vị nên chọn thực phẩm ít muối, nên đọc nhãn thực phẩm trước khi mua.

5.Thực phẩm cần hạn chế
– Hạn chế thực phẩm nhiều kali (đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn nặng có giảm lượng nước tiểu hay tăng kali/máu) như nho khô, chuối khô, thanh long, trái bơ… Rau lá xanh đậm (rau ngót, rau đay, dền, rau muống…), nấm mèo, các loại đậu.
– Bệnh nhân có bệnh đái tháo đường cần hạn chế thực phẩm có chỉ số đường huyết cao như bánh mì trắng, khoai tây, gạo đỏ huyết rồng, bánh bột ngô nướng, miến, bánh kẹo ngọt…
– Hạn chế chất béo có hại, thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa như lòng đỏ trứng, bơ, phômai, mỡ, gan, tim, dầu dừa…
– Hạn chế thực phẩm có nhiều phốt pho, tôm khô, lá lốt, lòng đỏ trứng, nấm đông cô, đậu nành, hạt sen khô, thịt bò…
– Hạn chế thực phẩm có nhiều muối natri như mắm, cá khô, tôm khô, hột vịt muối, bánh mì, mì ăn liền, khoai tây chiên…
– Không nên uống quá nhiều nước, vì điều này sẽ làm cho cơ thể phù nhiều hơn, huyết áp khó kiểm soát đồng thời nếu ở bệnh thận mạn giai đoạn đầu bệnh nhân sẽ tiểu nhiều hơn đặc biệt là tiểu đêm gây khó ngủ.

( P/S: Những thông điệp này không phải là bài giảng chuyên môn, chỉ là thông tin truyền thông cơ bản cho người bệnh, học viên, sinh viên nếu có nhu cầu cần tham khảo…).

Quản trị viên

Vì một tương lai không có suy thận mạn

One Comment to “Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính”

  1. Hương

    Chào bác sĩ Tuyển,

    Nhờ bác sĩ tư vấn giùm em với trường hợp bệnh thận mạn tính do lupus thì có thể ăn loại rau như thế nào ạ?

    Em cám ơn bác sĩ nhiều.

    Reply

Post Comment