Xét nghiệm nước tiểu 24h là phương pháp quan trọng trong chẩn đoán các bệnh thận. Mỗi bệnh nhân phải tự lấy mẫu nước tiểu 24h và việc thông hiểu quy trình là yêu cầu bắt buộc.
1. Chuẩn bị dụng cụ
1.1. Acid Clohydric (HCl) 1% thể tích 10ml (phòng khám hoặc bệnh viện sẽ cung cấp miễn phí).
1.2. Bô sạch có nắp đậy.
1.3. Ống nghiệm hoặc chai nhựa nhỏ sạch. Dụng cụ này mang mẫu nước tiểu sau khi đã tích trữ nước tiểu đủ 24h đến phòng khám xét nghiệm. Dụng cụ hay được sử dụng phổ biến là các chai nước khoáng/nước lọc nhỏ như chai Lavie, Aquafina.
2. Các bước tiến hành
2.1. Các bước chuẩn bị.
– Lấy bô ở bước 1.2 rửa sạch, tráng lại bằng nước sạch, đã để khô ráo hoặc lau thật khô.
– Lấy toàn bộ lượng acid ở bước 1.1 đổ vào bô, lắc bô nhẹ nhàng để dịch acid láng đều bề mặt bô (khoảng 2/3 bề mặt bô kể từ đáy).
– Nếu ngày mai đi khám thì quá trình lấy nước tiểu sẽ bắt đầu từ sáng hôm nay.
2.2. Quá trình lấy nước tiểu.
– Khi vừa ngủ dậy (khoảng 6-7h sáng) không lấy bãi nước tiểu đầu tiên (bỏ lần đi tiểu đầu tiên).
– Rửa sạch bộ phận sinh dục.
– Bắt đầu từ lần đi tiểu thứ hai (bãi nước tiểu thứ 2) nước tiểu được tích trữ vào bô (đã chuẩn bị ở bước 2.1)
– Toàn bộ nước tiểu thải ra phải được tích trữ lại, bao gồm cả lúc đi đại tiện (đi ngoài).
– Lượng nước uống bình thường như mọi ngày. Nếu có phù thì lượng nước uống vào bằng lượng nước tiểu ngày hôm trước. Nếu không phù, chức năng thận bình thường thì lượng nước phổ biến ở nhiều người là 1.5 – 2 lít /ngày. Chi tiết lượng nước uống xin tư vấn bác sĩ đang điều trị.
2.3. Kết thúc quá trình lấy nước tiểu.
– 6-7h sáng ngày hôm sau (vào ngày đi khám) ngủ dậy, vệ sinh bộ phận sinh dục, lấy nước tiểu lần cuối (bãi cuối) vào bô đang trữ nước tiểu ở trên.
– Đo thể tích nước tiểu trữ được và ghi lại.
– Khuấy đều nước tiểu trữ được và lấy một mẫu vào chai đã chuẩn bị ở bước 1.3. Thể tích tối thiểu phải lấy là 30ml. Số nước tiểu còn lại có thể bỏ đi.
Biên soạn: BS. Đoàn Thoại
Nguồn ảnh: pink-rs.com