Thực đơn ngày Tết của người Việt rất đa dạng, đặc biệt nhiều muối, nhiều mỡ và nhiều năng lượng. Tuy nhiên, muối và mỡ là 2 yếu tố đặc biệt cần điều chỉnh trong chế độ ăn của người bệnh thận. Vì vậy, mỗi bệnh nhân cần ghi nhớ và điều chỉnh phù hợp để vừa có Tết sum họp vừa đảm bảo bệnh ổn định.
1. Mục đích của chế độ dinh dưỡng trong bệnh thận
– Chống phù và tăng huyết áp
– Hạn chế tăng ure máu
– Hạn chế tăng kali máu khi thiểu niệu, chức năng thận giảm.
– Phòng suy dinh dưỡng.
2. Chế độ ăn cho người bệnh suy thận mạn
– Giảm lượng muối ăn vào. Thông thường giảm khoảng 50% so với chế độ ăn của người bình thường.
– Hạn chế nước uống. Cần tính thể tích nước uống cân bằng với lượng nước thải ra môi trường. Công thức tính có thể tham khảo như dưới đây (chi tiết xin tư vấn bác sĩ đang điều trị):
+ Lượng nước uống cho người lớn = Thể tích nước tiểu trong 24 h + (500 – 700 ml)
+ Lượng nước uống cho trẻ em = Thể tích nước tiểu trong 24 h + 200 ml.
– Không ăn rau quả có chứa nhiều kali như chuối, bưởi, cam, chuối, đu đủ, xoài chín, khoai tây, bí đỏ, cà chua, … vì kali tăng có thể làm rối loạn nhịp tim thậm chí ngừng tim đột ngột.
– Đạm (protein): hạn chế lượng đạm ăn vào khi suy thận. Tùy thuộc mức độ suy thận mà chế độ ăn đạm khác nhau. Thông thường khoảng 100g/ngày.
Nên ăn các loại đạm có nguồn gốc từ động vật, hạn chế đạm từ thực vật vì làm tăng ure máu.
– Mỡ: không ăn thịt mỡ, không ăn mỡ động vật.
– Cần ăn đủ lượng calo cần thiết, các thực phẩm giàu vitamin, canxi và sắt.
3. Chế độ ăn cho người hội chứng thận hư
– Hạn chế muối (tham khảo mục 2.)
– Đạm (protein): cần ăn tăng lượng đạm theo hướng dẫn của bác sĩ đảm bảo bù lượng đạm bị thải ra nước tiểu.
– Hạn chế nước khi có phù
– Không ăn mỡ, không ăn thịt mỡ.
Biên soạn: BS. Đoàn Thoại
Hình ảnh minh họa: chronicle