[PGS. Tuyển] Tăng huyết áp và bệnh thận mạn tính – phần 1: khi nào chẩn đoán bệnh thận mạn

– Sự kết hợp giữa tăng huyết áp (THA) và bệnh thận mạn tính đã được biết từ lâu, THA thứ phát do bệnh thận là nguyên nhân thường gặp nhất. Suy thận càng nặng, tỉ lệ THA càng cao. Tăng HA gặp trong 80% các trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối, ở giai đoạn bắt đầu lọc máu. Ngược lại, thận là một trong những cơ quan đích thường bị tổn thương trong THA tiên phát, khi thận bị tổn thương lại càng làm cho THA thêm trầm trọng.Tăng HA là biểu hiện thường gặp và cũng rất khó điều chỉnh ở bệnh suy thận mạn. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy, tỉ lệ THA gặp từ 80- 90 % ở giai đoạn bắt đầu lọc máu.THA là nguyên nhân chính của các bệnh lí tim mạch và cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn hoặc suy thận mạn.

– Khi nào một người được chẩn đoán mình đã mắc bệnh thận mạn hoặc suy thận mạn? Một người được coi là mắc bệnh thận mạn khi có 1 trong hai tiêu chuẩn:

1. Là tổn thương cấu trúc hoặc chức năng thận kéo dài trên 3 tháng, có kèm hoặc không kèm giảm GFR, bao gồm tổn thương bệnh học thận (trên sinh thiết) hoặc bất thường trong xét nghiệm nước tiểu hoặc máu, hoặc trên chẩn đoán hình ảnh, hoặc

2. GFR nhỏ hơn 60ml/phút/ 1.73m2 kéo dài trên 3 tháng, có kèm hoặc không kèm tổn thương thận.

– Dựa vào yếu tố nào để đánh giá có tổn thương thận? Có nhiều dấu ấn, tuy nhiên trên thực hành lâm sàng chủ yếu dựa vào: Albumin niệu: là dấu ấn (marker) để đánh giá tổn thương thận, gợi ý đến tình trạng có tổn thương ở cầu thận gây tăng khả năng thấm cầu thận và làm albumin bị lọc và có trong nước tiểu. Có thể đánh giá có albumin trong nước tiểu hay không bằng: cách thu thập nước tiểu theo thời gian thường theo 24h, que nhúng hoặc phổ biến nhất là tỉ số albumin/creatinin niệu (ACR) mẫu nước tiểu ngẫu nhiên. ACR bình thường < 10mg/g.

Quản trị viên

Vì một tương lai không có suy thận mạn

Post Comment